3
0

Ngành cơ khí đóng vai trò nền tảng, động lực phát triển với bất cứ nền kinh tế nào. Việt Nam có 100 triệu dân, được đánh giá là lý tưởng để phát triển công nghiệp cơ khí.

Trong một dự báo được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Hiện tại, đã có 30.000 doanh nghiệp cơ khí trên cả nước, doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, tạo ra 1,2 triệu việc làm. Công nghiệp cơ khí trong nước đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài. Có thể nói ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Như vậy, việc phát triển ngành cơ khí giống như một mũi tên bắn trúng 2 đích “vừa tạo ra giá trị cho nền kinh tế với hàm lượng công nghệ cao, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động”.

Trong tương lai, Việt Nam cũng có kế hoạch bỏ ra hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia sâu vào các gói thầu, làm chủ công nghệ.

Có thể kể đến quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030 ước tính phải đầu tư khoảng 133 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia chế tạo máy móc, thiết bị, cần cẩu, trục nâng, cột trụ đường dây truyền tải điện, máy biến áp… Các doanh nghiệp cơ khí cũng có thể tận dụng cơ hội từ các dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao trị giá khoảng 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, sản xuất ôtô, xe máy…

Leave us a comment